Đình Tân Qui Đông tọa lạc tại hẻm số 525 đường Lê Văn Lương, khu phố 6, phường Tân Phong, quận 7, tp Hồ Chí Minh. Đây là di tích được xếp hạng vào ngày 25/6/2009, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định số 3132/QĐ-UBND công nhận Đình Tân Qui Đông là Di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp Thành phố.
Năm 1698, Chúa Nguyễn (tức Minh Vương Nguyễn Phúc Chu) cử Thống Suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược “lấy đất Nông Nại là phủ Gia Định, lập xứ Sài Gòn làm Huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn”. Từ thời điểm này, các thôn ấp ở Nhà Bè chính thức thành đơn vị hành chính thuộc Huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn.
Khoảng nữa đầu thế kỷ XIX(19) khi chúa Nguyễn đẩy mạnh khẩn hoang, nhiều đoàn thuyền của cư dân Đàng ngoài bắt đầu tiến vào Nam. Trên đường vào Nam khai hoang họ phải qua của sông Soài Rạp để vào rạch Bến Nghé, khi gặp nước ngược chiều thì chèo chống rất vất vả nên phải neo thuyền chờ đến khi nước xuôi chiều mới đi được. Theo dân gian kể lại rằng: “ … lòng thuyền chật hẹp, nấu nướng khó khăn nên một người tên Võ Thủ Hoằng nảy ra sáng kiến đốn tre kết làm bè neo trên sông, làm nơi nấu nướng, sinh hoạt. Mọi người thấy vậy nên làm theo, kết hai ba chục bè làm chỗ buôn bán, trao đổi hàng hóa, sinh sống trên bè như là nhà ở trên đất đất. Khoảng sông ngày càng tấp nập và địa danh Nhà Bè ra đời tư đó”.
Năm 1808 Gia Long đổi dinh Phiên Trấn thành trấn Phiên An, phủ Tân Bình gồm 4 huyện. Các xã thông của khu vực Nhà Bè lúc này thuộc tổng Tân Phong, huyện Tân Long và tổng Bình Trị, huyện Bình Dương.
Di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp Thành phố Đình Tân Qui Đông được hình thành từ trước năm 1852 gắn với quá trình và phát triển với các thôn, ấp ở Nhà Bè. Đình Tân Qui Đông có sắc phong của vua Tự Đức (1852) nhưng do chiến tranh loạn lạc, sợ giặc đốt phá đình nên đã đem cất giấu nơi khác và trong thời gian dài ấy thì sắc phong đã bị mất. Nay sắc phong thờ cúng tại đình là sắc phong được làm lại vào năm 2000, dựa trên nôi dung sắc phong trước đây.
Năm 1863, công cuộc đo điền và lập địa bạ cho Lục tỉnh Nam Kỳ được tiến hành. Trần Phiên An đổi thành tỉnh Phiên An, sau lại đổi thành tỉnh Gia Định. Tổng Bình Trị Thượng thuộc huyện Bình Dương, phủ Tân Bình và tổng Tân Phong Hạ thuộc huyện Tân Phong, phủ Tân Bình tỉnh Gia Định có các thông: Tân Qui Đông thôn, Long Thới Đông thôn, Nhơn Mỹ thôn, Nhơn Ngãi thôn, Phước Cơ thôn, Phước Long Đông thôn, Phước Thạnh thôn, Phước Thời thôn, Tân Phú thôn… tương ứng với địa bàn các xã Tân Quy, Tân Thuận, Phước Kiểng, Long Thới, Nhơn Đức, Phú Mỹ, Phước Lộc của Nhà Bè năm 1996.
Khi thực dân pháp tiến hành tổ chức bộ máy hành chính ở ba tỉnh miền Đông Nam bộ, huyện Bình Dương và huyện Tân Long thuộc phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Các thôn thuộc hai tổng Bình Trị Thượng và Tân Phong Hạ vẫn được giữ nguyên.
Năm 1866, hai huyện Bình Dương và Bình Long sát nhập lại thành hạt Sài Gòn.
Năm 1885, chính quyền thực dân Pháp đổi tên hạt Sài Gòn thành hạt Gia Định gồm 19 tổng. Tổng Bình Trị Hạ gồm 9 xã: Phú Hội, Phú Mỹ Tây, Phước Hải, Phước Long Đông, Phước Thành, Phước Thời, Phú Xuân, Tân Qui Đông, Tân Thuận Đông và tổng Dương Hòa Hạ gồm 12 xã: Đức Hưng, Long Kiểng, Long Phước, Long Thạnh Tây, Long Thới, Mỹ Đức…
Vào thời điểm năm 1944, tổng Bình Trị Hạ và Dương Hòa Hạ còn 11 xã là Tân Thuận Đông, Tân Qui Đông, Phú Mỹ Tây, Phước Long Đông, Phú Xuân Hội, Long Đức Đông (ở Bắc sông Xoài Rạp), Phước Lộc, Long Kiểng, Nhơn Đức, Phú Lễ, Hiệp Phước. (Nguyễn Đình Đầu – Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Gia Định - 1994)
Năm 1961, Chính quyền Mỹ - Ngụy sát nhập một phần ở phía Bắc huyện Cần Giuộc tỉnh Long An vào Nhà Bè.
Năm 1970, huyện Nhà Bè thuộc tỉnh Gia Định, gồm 9 xã: Long Đức, Long Kiểng, Nhơn Đức, Phú Mỹ Tây, Phú Xuân Hội, Phước Long Đông, Phước Lộc Thôn,Tân Qui Đông và Tân Thuận Đông.
Sau năm 1975, Nhà Bè là huyện ngoại thành của Tp.Hồ Chí Minh.
Năm 1987, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quản lý điều hành toàn huyện. Chính quyền huyện Nhà Bè đã lập đề án tách xã Phú Xuân thành lập thị trấn Nhà Bè, Tân Thuận thành hai xã Tân Thuận Đông và Tân Thuận Tây, Tân Quy thành hai xã Tân Qui Đông và Tân Qui Tây, tổng số xã toàn huyện lúc này là 11 xã và 1 thị trấn.
Tháng 4/1997, theo chủ trương của Chính Phủ, để quản lý toàn diện của nền kinh tế - xã hội ở vùng đô thị hóa theo quy mô diện tích và dân số cho phù hợp với điều kiện năng lực quản lý của cơ quan nhà nước địa phương. Huyện Nhà Bè thực hiện tách quận, Quận 7 được thành lập. Quận 7 có 10 phường gồm: Phú Mỹ, Phú Thuận, Tân Phú, Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây, Bình Thuận, Tân Kiểng, Tân Quy, Tân Phong, Tân Hưng
Lịch sử hình thành:
Từ mốc lịch sử trên cho thấy xã Tân Qui Đông đã được thành lập khá sớm, từ thời vua Minh Mạng đã có nhắc đến. Địa danh ấy tồn tại đến hôm nay, nhưng ngày nay người ta không còn gọi là xã nữa mà gọi là khu dân cư Tân Qui Đông. Và theo tục lệ của ông cha xưa cứ đặt chân vào đến vùng đất mới sinh sống, dựng làng, lập ấp, khai cơ lập nghiệp thí việc đầu tiền là lập đình thờ, trước là để cầu khẩn thần linh ở vùng đất mới ché chở cho dân làng trước thiên tai và cũng là chổ dựa tâm linh của người dân, mong có cuộc sống thanh bình, sau là để đền đáp công ơn phò trợ… Tại vùng đất này dân làng đã dựng lên ngôi đình có tên đình Tân Qui Đông vị thần được thờ trong đình chính là Thành Hoàng bổn cảnh. Như vậy có thế nói đình Tân Qui Đông có lịch sử hình thành đã được hơn 150 năm.
Mô tả cảnh quan hiện hữu:
Lối vào Đình từ đường Lê Văn Lương có cổng Tam quan bằng ximăng sơn vàng đắp nổi dòng chữ “Đình Tân Qui Đông”. Đi vào hẻm khu phố 1, Phường Tân Phong thấy ngôi đình năm trên gò đất cao nổi lên giữa 2 con rạch ( rạch Thầy Tiêu và rạch Ông Kích).
Để vào đình phải qua cây cầu bằt qua rạch Ông Kích, trên cầu đứng hình bao quát: đình có cảnh quan rất đẹp, đình được bao quanh bời hàng dừa nước xanh um, nhiều loại cây cổ thụ như: cây đa, cây mắm, cây sộp.. có tuổi thọ từ 360 năm đến 100 năm, cây có tán rộng xum xuê che bóng mát cho khuôn viên đình.
Theo lời các vị cao niên tại nơi đây cho biết: ngày trước cảnh đình rất đẹp, chỉ có cây cối và sông rạch bao quanh, muốn đến đình bà con phải chèo ghe mới vào được.
Đình được xây dựng trên khuôn viên rộng hơn 500 m2. Kiến trúc hiên nay của đình gồm võ ca, chính điện và nhà túc nằm trên 1 trục chính.
Qua hành lang bên trái để vào chính điện của đình. Hiện nay đình chỉ còn lại gian chính điện, mặt tiền chính điện có hướng Tây Bắc, chính giữa mặt tiền đắp nổi bức hoành phi cuốn như có dòng chữ “Đình Tân Qui Đông”, hai gian bên vẽ trang trí “long ẩn vân”. Trên các cột đắp nổi hai cặp câu đối.
Chính diện được xây dựng theo kiểu nhà tú trụ với bốn cột gỗ tròn đỡ lấy bộ vì kèo bằng gỗ mở rộng ra bốn phía. Mái ngói úp đọi lợp theo kiểu âm dương. Bờ nóc mái trang trí lưỡng long chầu hồ lô.
Quá trình phát triển đến thời điểm hiện nay:
Theo lời kể của các vị cao niên trong ban Hội hương đình cho biết: Đình có sắc phong của vua Tự Đức (1852) nhưng do chiến tranh loạn lạc, sợ giặc đốt phá đình nên đã đem cất giấu nơi khác và trong thời gian dài ấy thì sắc phong đã bị mất. Nay sắc phong thờ cúng tại đình là sắc phong được làm lại vào năm 2000, dựa trên nôi dung sắc phong trước đây.
Các hiện vật có giá trị hiện nay còn lưu giữ:
Qua phần tìm hiểu lịch sử ở trên có thể nói đình Tân Qui Đông được xây dựng hơn 150 năm. Trải qua khoảng thời gian ấy đình đã có nhiều thay đổi so với trước do chiến tranh tàn phá. Hiện nay chỉ còn lại khu vực chính điện là vẫn giữ được kiểu kiến trúc tứ trụ với 4 cột gỗ, bộ vị kèo gỗ. Ngoài ra đình còn một số hiện vật gỗ có giá trị theo thời gian như: Bài vị Thần, bài vị các vị Tả Ban, Hữu Ban, Tiền Hiền, Hậu Hiền, cặp qui hạc gỗ, mõ gõ.
Dân làng Tân Qui Đông xưa và ba con phường Tân Phong ngày nay luôn cố gắng gìn giữ ngôi đình cùng những hiện vật có giá trị. Ban quí tế đình cùng nhân dân trong vùng luôn có ý thức bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể đó là tín ngưỡng dân gian, chiêm bài Thần, đó là hình thức diễn tuồng hát bội cầu quốc thái dân an vào lễ cúng ký yên.
Hiện nay đình Tân Qui Đông do Hội hương đình trông coi và bảo quản. Năm 2009 đinh được UBND Thành phố Hồ Chí Minh xếp hàng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố theo quyết định số 3132/QĐ-UBND ngày 25 tháng 6 năm 2009.
Sự kiện nổi bật đã diễn ra tại đây
Từ ngày xây đến nay đình trải qua nhiều đợt trùng tu, sửa chữa như sau:
Trước năm 1968 đình bị giặc Mỹ bắn phá hư hỏng nặng chỉ còn lại bức vách cuối chính điện. Cũng trong năm này, Hội hương đình đã vận động bà con góp tiền xây dựng lại phần chính điện cho ngôi đình.
Năm 1997 xây dựng sân khấu ở khu vực võ ca.
Năm 1999 để tránh tình trạng ngập nước sẽ hư hỏng bộ cột gỗ, Hội hương đình cho nâng nền khu vực chính điện.
Để tránh mùa nước lớn thường bị ngập vào đình, để tạm thời khắc phục tình trang này. Năm 2007, các thành viên trong hội tiến hành nâng nền ở hành lang bên hông.
Nội dung lễ hội:
Hàng năm đình Tân Qui Đông có ba ngày lễ cúng:
* Lễ Kỳ yên (lễ chính, lễ lớn):
- Quy mô tổ chức: Cấp xã
- Thời gian tổ chức: Ngày 15, 16 tháng 2 Âm lịch hàng năm, theo thông lệ thì cách hai năm tổ chức hát bội 01 lần.
- Địa điểm tổ chức: Đình Tân Qui Đông, 525 Lê Văn Lương, phường Tân Phong, Quận 7
- Đối tượng phụng thờ (tưởng niệm): Thần Thành Hoàng bổn cảnh
- Trình tự, nội dung, nghi thức lễ hội:
+ Phần lễ: Lễ Thỉnh Sanh (tế Thần), lễ tế Yết, lễ Tiền Hiền, lễ Hậu Hiền, lễ Đoàn (Đàn) cả diễn; trong lễ sẽ có chánh bái bồi bái, học trò lễ, đào thài theo chiêng trống, kèn của nhạc mà hành lễ; tiếp đến có lễ “hát bội”.
+ Phần hội: Tiếp rước hội hữu, cùng quan khách và bá tánh gần xa về dâng hương.
* Lễ cúng Hạ Điền: vào ngày 16 tháng 5 âm lịch (lễ thường, Ban Tế tự hành lễ, Bá tánh dân hương)
* Lễ cúng Cầu Bông: vào ngày 16 tháng 10 âm lịch (lễ thường, Ban Tế tự hành lễ, Bá tánh dân hương)