Vào những năm 1985, 1986, có một người tên là Nguyễn Văn Rô (hay còn gọi là Bảy Rô) vì luôn đặt niềm tin yêu và tôn kính đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh nên hàng năm, cụ Bảy Rô cùng một số người bạn hoạt động kháng chiến ở vùng đất Nhà Bè xưa đã quy tụ lại tổ chức một lễ giỗ nhỏ tại ngôi nhà ba gian của cụ (ngôi nhà 3 gian ngày ấy, nay là Nhà tưởng niệm Bác Hồ Quận 7). Lễ giỗ được tổ chức theo phong tục tập quán của người miền Nam, lễ giỗ ông bà, cha mẹ, tổ tiên thế nào thì làm lễ giỗ Bác như thế ấy.
Mỗi năm cứ vào dịp Quốc khánh 2 tháng 9, cụ Bảy Rô cùng bạn bè thời kháng chiến của cụ tề tựu về đây để làm lễ giỗ Bác Hồ. Thời gian đầu, lễ giỗ Bác Hồ với hơn 10 người gồm bạn bè và người thân của cụ Bảy Rô tham gia; tiếng lành đồn xa, những năm sau đó số người về dự lễ giỗ ngày càng đông, không chỉ riêng người dân ở Nhà Bè (trước ngày 01 tháng 4 năm 1997) mà còn có những người dân ở các quận khác như Quận 1, Quận 4, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Bình Chánh, Cần Giờ… cũng về tham dự.
Dần dần, lễ giỗ được mọi người biết nhiều hơn, có năm số người đến dự lễ giỗ Bác lên đến vài trăm người, trong đó có cụ Huỳnh Văn Tiểng, nguyên Phó Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM; thiếu tướng Tô Ký và các đồng chí lão thành cách mạng… toàn bộ chi phí tổ chức lễ giỗ Bác đều do mọi người đóng góp tự nguyện, tích góp mỗi năm
Là người cả đời trung thành với Bác Hồ nên trước lúc mất, cụ Bảy Rô chỉ có một di nguyện là dùng ngôi nhà của cụ để làm “Nhà thờ Bác Hồ”. Cụ Bảy Rô đã hiến toàn bộ khu đất và ngôi nhà ba gian của mình để xây dựng Nhà tưởng niệm Bác Hồ ngày nay.
Đến năm 2002, vào các ngày lễ trong năm, lãnh đạo Quận ủy – Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 7 tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn Quận đến viếng, dâng hoa, dâng hương lên Bác và các Anh hùng liệt sĩ.
Năm 2003, Nhà tưởng niệm Bác Hồ Quận 7 được Ủy ban nhân dân Quận giao Trung tâm Văn hóa Quận (nay là Trung tâm Văn hóa – Thể thao Quận 7) quản lý, hằng ngày có người trông nom, thắp hương lên Bác.
Từ một ngôi nhà ba gian đơn sơ, Nhà tưởng niệm Bác Hồ Quận 7 tọa lạc tại số 458/25, khu phố 2, phường Bình Thuận, nay đã được xây dựng thành cơ ngơi rộng rãi, thoáng mát với tổng diện tích gần 1.377,5m2 gồm có: chánh điện - nơi lãnh đạo, khách tham quan dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Bác; Phòng lưu niệm - trưng bày hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Phòng truyền thống - nơi trưng bày một số kỷ vật hiện nay được đặt tại Nhà tưởng niệm như tượng Bác, đôi hạc, cái chiêng, hòn đá ở Hang Pác Pó… do người dân khắp nơi mang đến tặng qua các lần lễ giỗ Bác.
Tiếp nối những truyền thống tốt đẹp của các cụ trong Hội giỗ Bác Hồ, đến tháng 6 năm 2016, đồng chí Lê Hòa Bình, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 7 đã cho sửa chữa và trùng tu lại Nhà tưởng niệm Bác Hồ; tháng 9 năm 2016 đưa vào hoạt động Phòng lưu niệm trưng bày những hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hiện tại, Nhà tưởng niệm Bác Hồ là nơi tổ chức sinh hoạt chính trị, văn hóa, tổ chức lễ báo công, kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn; thu hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài quận đến tham quan. Đây được xem là nơi giáo dục truyền thống để mọi người cùng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.