menu_open
DI TÍCH LỊCH SỬ GÒ Ô MÔI
22/07/2024 4:50:19 CH
Xem cỡ chữ:
“Có ai Phú Mỹ - Nhà Bè, Nhớ chăng trận đánh ở Gò Ô Môi, Bao năm chiến sự qua rồi, Nhắc cho hậu thế đời đời chớ quên”

Gò đất này trước đây vốn là nơi ở của bà Ngô Thị Tài. Trong sân nhà có trồng một cây ô môi cao tầm 6-7m nên được dân trong vùng gọi là Gò Ô Môi. Ngoài ra, do bà Ngô Thị Tài tham gia cách mạng có bí danh Ba Lý nên Gò Ô Môi còn có một tên gọi nữa là Gò Chị Ba Lý – thuộc ấp Bà Bướm, xã Phú Mỹ, huyện Nhà Bè. Đây nơi đã ghi dấu chiến công oai hùng của cuộc chiến vệ quốc giành lại mảnh đất của cha ông; nơi sẽ không bao giờ phai mờ trong ký ức của người dân Nhà Bè – Quận 7 nói riêng và người dân Thành phố Hồ Chí Minh nói chung.

Năm 1962, Mỹ - Ngụy thực hiện chiến lược bình định cấp tốc, chúng đã cho triển khai chương trình ấp chiến lược rộng rãi ở khu vực Nhà Bè. Nhà bà Ngô Thị Tài bị chuyển vào ở tập trung trong ấp chiến lược cách Gò khoảng 2 km. Từ đó, Gò Ô Môi bị bỏ hoang, cây mọc um tùm. Lợi dụng địa thế đó, năm 1965, đồng chí Hoa Văn Tân đã chọn nơi đây làm nơi để đào hầm bí mật trú ẩn trong thời gian công tác tại xã Phú Mỹ và thành lập 01 tổ du kích gồm 03 người: Lê Văn Sắn, Hồ Văn Nhái và Nguyễn Văn Ba. Ban ngày các đồng chí ở dưới hầm, ban đêm đột nhập vào các ấp chiến lược móc nối, liên lạc với người dân gây dựng phong trào cách mạng.

Trong ấp chiến lược xã Phú Mỹ có gia đình ông Lê Văn Trì (ấp 1, xã Phú Mỹ) là cơ sở cách mạng. Đ/c Hoa Văn Tân và các đ/c du kích đến nhà ông Trì liên lạc. Nhà ông có hầm bí mật làm bằng lu đựng nước (chiếc lu này hiện nay vẫn còn được lưu giữ tại nhà truyền thống Thành đoàn). Gia đình ông Trì đã tiếp tế cho cán bộ cách mạng ở Gò Ô Môi.

Đóng góp cho cách mạng còn có gia đình ông Nguyễn Văn Chơi (Út Hí). Tuy nhà còn nghèo phải đi làm thuê làm mướn, nhưng thường gom góp được gì ông cũng mang đến nhà ông Trì gởi ra cho cách mạng. Bên cạnh đó, tiếp tế lương thực cho các anh du kích ở dưới hầm bí mật còn có các gia đình của ông Trần Văn Ngài, bà Ngô Thị Tài, ông Hồ Văn Tràng (là những người làm ruộng gần Gò Ô Môi),….

Trong ấp chiến lược xã Phú Thuận có ông Lê Văn Kiệm là người có nghề mộc. Ông Lê Văn Tiển là cán bộ cách mạng hoạt động tại địa phương tin tưởng giao cho ông Kiệm đóng nắp hầm bí mật. Khi Ông Kiệm đóng xong nắp hầm sẽ giao cho ông Trì là cơ sở cách mạng trong ấp chiến lược để ông Trì chuyển cho các hầm bí mật. Ông Kiệm đã đóng được 3 nắp hầm: một nắp cho hầm bí mật nhà ông Ngài, một nắp cho hầm bí mật nhà ông Trì, một nắp cho hầm bí mật Gò Ô Môi.

Có thể nói, tuy địch dồn dân vô ấp chiến lược để tách dân ra khỏi cách mạng, nhưng nhân dân đã tìm mọi cách liên lạc với cách mạng, che chở nuôi nấng cán bộ cách mạng bất chấp hiểm nguy luôn rình rập từ phía kẻ thù.

Sang năm 1966, đồng chí Hoa Văn Tân được Huyện ủy triệu tập về họp tại vùng căn cứ để nhận chỉ thị mới, địa phương lúc này chỉ còn lại 03 đ/c du kích. Và cũng trong thời gian này, địch tổ chức càn quét cả ngày lẫn đêm tại xã Phú Mỹ, hoạt động của ta gặp rất nhiều khó khăn, phải triệt để ở hầm ban ngày và chỉ bung ra hoạt động vào ban đêm.

Rạng sáng ngày 23/11/1966, được bọn tề điệp chỉ báo, ngụy quyền Nhà Bè đã huy động trên 400 quân càn quét vào Gò Ô Môi. Sau 04 giờ đào xới trên một diện tích hẹp, chúng đã phát hiện ra lỗ thông hơi của hầm. Địch dàn quân ra tấn công hầm. Một du kích đội nắp hầm phản kích, bắn chết một cố vấn Mỹ và một lính ngụy. Chiến sỹ ta trúng đạn, địch ồ ạt tràn lên gò. Một chiến sĩ khác của ta đã nhoài lên hầm tiếp tục bắn trả quyết liệt, tiêu diệt thêm hai tên, bắn bị thương một tên, anh trúng đạn hy sinh. Lúc này, địch lui quân và gọi thêm trực thăng có vũ trang tiếp viện, bắn rốc-két xuống gò. Người du kích cuối cùng của ta cũng đã hy sinh trong một cuộc chiến quá chênh lệch về tương quan lực lượng. Sau khi biết biết chắc lực lượng ta đã bị diệt, địch chiếm Gò, kéo tử thi 3 du kích lên miệng hầm, ném bồi một trái lựu đạn trước khi rút quân. Ngày hôm sau, chúng sai người vùi xác 03 chiến sĩ xuống hầm rồi lấp đất lại. Từ đó, Gò Ô Môi còn có thêm tên gọi là “Mộ ba ông”. Nhân dân trong vùng vẫn tới viếng thường xuyên, trên mộ luôn luôn có hương khói.

Sau sự kiện xảy ra, Huyện ủy Nhà Bè nhận xét “Đây là lần đầu tiên lực lượng du kích hoạt động bí mật đánh địch trong vùng chúng kiểm soát kiên cường và dũng cảm hy sinh, được nhân dân không chỉ ở xã Phú Mỹ mà cả trong Huyện khâm phục”. Đánh giá này đã nói lên được tác động của sự kiện lịch sử đối với địa phương và cũng là ý nghĩa lịch sử của di tích.

“Anh hùng chết, khí hùng tỏa sáng”. Sự kiện Gò Ô Môi là bằng chứng cho sự anh dũng, kiên cường của lực lượng quân chủ lực du kích Nhà Bè, củng cố thêm niềm tin của quần chúng nhân dân đối với cách mạng, với Đảng và với quận giải phóng; góp phần vào chiến công chung của toàn dân tộc trong đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chính quyền địa phương đã cho xây mộ chung cho 03 người tại nơi hy sinh.

Năm 1999, UBND quận 7 đã trùng tu ngôi mộ như hiện trạng ngày nay. Mộ có kích thước dài 2,8m, rộng 1,5 m; bên ngoài ốp đá màu xám cao 0,65m, trên bia mộ có ghi: “Nơi đây 3 liệt sỹ hy sinh ngày 23/11/1966 tại Gò Ô Môi do điệp báo địch vây, đã chiến đấu đến cùng”.

“Các anh nằm đó, Gò Ô Môi nắng gió

Trong căn hầm còn thắm đỏ máu hùng anh

Đã mấy mươi năm tàn cuộc chiến tranh

Để lại cho đời trang sử hùng oanh liệt”

Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, những người lính năm nào của lực lượng quân du kích Nhà Bè nay có người thì đầu đã bạc, người thì cũng đã về với đất mẹ. Thế nhưng, những hồi ức về cuộc chiến năm nào, những mất mát đau thương và cả lòng tự hào thì vẫn còn đó. Tất cả đã hằn sâu trong tâm trí, hòa vào từng dòng máu, từng nhịp thở của những người con Nhà Bè – Quận 7. Và tất nhiên, chứng tích Gò Ô Môi vẫn sẽ luôn ở đây, khiêm nhường nép mình giữa một đô thị phát triển từng ngày nhưng vẫn giữ được nét đẹp của những giá trị tinh thần giữa bộn bề của dòng chảy lịch sử và cuộc sống hiện đại hôm nay.

Sáng ngày 13/02/2007, Gò Ô Môi đã chính thức đón nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp Thành phố theo quyết định số 4839/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện khu di tích lịch sử Gò Ô Môi tọa lạc trên đường Đào Trí, thuộc khu phố 2, phường Phú Thuận, Quận 7 với diện tích khoảng 700 m2, được kè đá bao quanh, phía trên lót gạch. Bên trong khuôn viên khu di tích có một số cây ô môi được trồng lại cùng với nhiều hoa lá rất đẹp và trang nghiêm. Nhìn từ ngoài vào ta thấy ở giữa là ngôi mộ chung của 03 anh: Nguyễn Văn Ba, Lê Văn Sắn và Hồ Văn Nhái. Trang nghiêm hai bên ngôi mộ là tượng đài rặng dừa nước – biểu tượng của vùng đất Nhà Bè xưa. Phía trên trái là mảng phù điêu đắp nổi trên nền lá dừa nước cách điệu cao 5,5m bằng chất liệu xi măng thể hiện trận đánh giữa quân địch và các chiên sĩ du kích. Phía trên phải là bia đá hoa cương màu đỏ trên nền lá dừa nước cách điệu cao 5,5m được khắc nội dung ở cả 02 mặt về sự kiện Gò Ô Môi. Đây là địa điểm tổ chức lễ viếng, tham quan cùng nhiều hoạt động ý nghĩa khác của thanh niên, học sinh, cán bộ công chức và người dân trong và ngoài quận vào những ngày lễ kỷ niệm, sự kiện quan trọng của đất nước nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, dũng cảm quên mình hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.